Nhà gỗ cổ là một mô hình kiến trúc, văn hóa vô cùng đặc sắc của dân tộc. Khi tìm hiểu về nhà cổ, chắc hẳn không ít người thắc mắc kết cấu của những ngôi nhà này như thế nào mà dù đã trải qua hàng thế kỷ vẫn vô cùng vững chãi. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến thiết kế kết cấu nhà gỗ cổ, hãy tham khảo những thông tin mà Trường Phúc chia sẻ bên dưới đây để hiểu rõ hơn về kết cấu nhà gỗ cổ bạn nhé!
Cũng như những mô hình nhà ở khác, nhà gỗ gồm có phần móng, khung và mái nhà. Xét về kết cấu nhà gỗ cổ chi tiết thì có 05 bộ phận chính là: cột, xà, kẻ, con rường và mái.
Cột
Cột được xem là thành phần chính rất quan trọng trong kết cấu nhà gỗ cổ. Công trình có được sự vững chắc hay không là nhờ vào sự chắc chắn của cột. Có 3 loại cột chính trong nhà gỗ của Việt Nam là:
- Cột cái: Là những cây cột trụ chính của nhà. Số lượng cột cái tùy thuộc vào quy mô ngôi nhà. Thông thường, một ngôi nhà chỉ có 1 hoặc hai hàng cột cái.
- Cột quân (cột con): Những cây cột có kích thước bé hơn và được liên kết với cột cái bằng các cây xà ngang.
- Cột hiên: Đặt phía ngoài tam cấp để đỡ phần mái hiên, có chiều cao thấp hơn cột con.
Xà
Xà là những thanh gỗ dài, có nhiệm vụ liên kết các cây cột với nhau. Một ngôi nhà cần có nhiều loại xà như sau:
- Xà thượng: Nằm gần đỉnh của cột cái, có nhiện vụ liên kết các cột cái với nhau.
- Xà hạ: Nằm ở dưới xà thượng, cũng có tác dụng để liên kết các cột cái.
- Xà cái: Nằm trên quá giang, dưới xà thượng để liên kết các cột cái. Có thể gộp xà hạ và xà cái là một, với kích thước to hơn.
- Xà trung: Nằm giữa xà thượng và xà hạ, được sử dụng khi không sử dụng hai loại xà này.
- Xà nách: Dùng để liên kết cột cái với cột quân.
- Xà tử thượng: Nằm ở phía trên các cột quân, có tác dụng liên kết các cột quân với nhau.
- Xà tử hạ: Nằm dưới xà tử thượng, cũng có tác dụng liên kết các cột quân.
- Xà hiên: Nằm trên đầu các cột hiên để liên kết những thanh cột này với nhau.
- Xà ngưỡng: Nằm dưới chân các cây cột quân. Thanh xà ngưỡng ở vị trí cửa có tác dụng để đỡ khuôn cửa.
Kẻ và bẩy
Là các loại dầm nằm trong khung liên kết vào cột quân. Có tổng cộng 3 loại:
- Kẻ hiên: Tựa trên đầu cột hiên, liên kết từ cột quân đến cột hiên, đỡ một phần mái nhà đưa ra ngoài.
- Bẩy: Phần dầm để đỡ mái phía sau đưa ra ngoài hoặc hai bên nhà và không có cột đỡ một đầu.
- Kẻ ngồi: Nằm phía trên quá giang, liên kết các cột cái và cột quân trong khung.
Con rường
Kết cấu nhà gỗ cổ không thể thiếu đi con rường. Đây là đoạn dùng để đỡ hoành mái nhà, có dạng dầm gỗ hộp. Càng lên cao, chiều dài con rường càng ngắn dần do độ vát của mái nhà. Có 02 loại rường:
- Con lợn (rường bụng lợn): Là các con rường trên cùng. Bên dưới con lợn là ván lá đề để điêu khắc hoạ tiết trang trí.
- Rường cụt: Nằm ở giữa cột cái với cột quân và chồng lên xà nách.
Mái nhà
Mái nhà được cấu tạo từ nhiều bộ phận như:
- Hoành: Là những cây dầm lớn đỡ mái, nằm ngang theo chiều dài của nhà và vuông góc với phần khung.
- Đui (hay còn gọi là rui): Dầm phụ trực giao với hoành, gối lên hoành và đặt dọc theo chiều dốc mái.
- Mè: Các thanh gỗ mỏng nằm đè lên rui, đặt song song với thanh hoành, có tác dụng liên kết rui.
- Gạch màn: Đặt trực tiếp trên mè, được làm bằng đất nung, có dạng lá nem đơn, giúp đỡ ngói, chống nóng và tạo độ phẳng cho mái.
- Ngói mũi hài (hay ngói vảy rồng, ngói ta): Lợp trực tiếp trên gạch màn hoặc có lớp đất sét kẹp giữa. Lớp ngói này cũng được làm bằng đất nung, có tác dụng trực tiếp chống thấm, chống dột.
Kết cấu nhà gỗ cổ, với vẻ đẹp mộc mạc và gần gũi, vẫn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với con người hiện đại. Hy vọng bài viết này đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích cho bạn về kết cấu nhà gỗ cổ. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết hữu ích khác về án gian thờ và nhà gỗ cổ truyền tại Trường Phúc.